CÓ NÊN TRỒNG MÍT THÁI?
Nhân có nhiều bài viết trên group chia sẻ về thực trạng giá mít giống tăng đột biết thời gian gần đây. Hiện tượng mít giống tăng giá liên tục đã diễn ra từ 4 năm trở lại đây, hàng năm cứ vào dịp Mùa xuân ngoài bắc hay Mùa mưa Miền nam là cây mít giống lại tăng giá, thậm chí nó tăng giá theo ngày không kém gì thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản những năm sốt giá. Vậy mà cả nhiều triệu cây giống trong các năm qua vẫn được bán ra và được trồng.
❌ VẬY TẠI SAO CÂY MÍT LẠI ĐƯỢC ƯA CHUỘNG TRỒNG VẬY???
– Hiện nay ở thị trường có kính thưa các loại mít để người dân lựa chọn. Với hàng loạt giống mít ngoại du ngoại theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam: Mít Changai da xanh, Mít Ruột đỏ, Mít Viên Linh, Lá Bàng, Mít Malaisia…Hoặc các giống mít nội địa: Mít nghê, Mít không hạt, Mít Tố Nữ, Mít dai, Mít mật, Mít Na …Nhưng 5-7 năm nay dân đang tập trung trồng Mít Thái Siêu Sớm.
– Với ưu thế cây mít là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc hơn so với các dòng cây đem lại hiệu quả kinh tế cao khác. Ngày xưa cây mít có giai đoạn được xác định là cây ăn trái xóa đói cho người nông dân. Có những giống mít còn có thể sống tốt trên các vùng đất khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng. Ngoài ra các dòng mít còn rất nhanh thu quả(Có cây 18 tháng đã cho thu hoạch). Giá mít quả mấy năm qua có lúc tăng, lúc giảm…nhưng phần lớn so với việc sớm ra trái, năng suất cao…nó vẫn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
DÂN TRỒNG NHIỀU VẬY CÓ NGUY CƠ VỠ TRẬN KHÔNG?
– Nền nông nghiệp Việt Nam phát triển trong hoàn cảnh hiện nay thì rất rất nhiều sản phẩm có nguy cơ vỡ trận chứ không chỉ là mít. Nhưng theo đánh giá của tôi thì mít sẽ được xếp vào cây có nguy cơ cao vỡ trận trong số các cây có nguy cơ, nếu cứ phát triển như tốc độ hiện nay.
– Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường Trung Quốc vô cùng lớn nhu cầu mít thái rất cao, Trung Quốc cho nhập chính ngạch, hơn nữa vẫn xuất được một lượng ít sang Nhật, Hàn…hay mít còn dùng để sấy khô công nghiệp…Nên cứ vô tư đi? Về luận điểm này tôi cho rằng có thể đúng nhưng xác xuất sẽ không cao. Nguyên nhân là mấy năm qua người dân phần lớn lao vào Trồng mít thái siêu sớm. Đây là dòng nhanh cho ra quả, năng suất cao…nếu chăm sóc tốt hoàn toàn có thể cho năng suất ổn định tới hơn 10 năm.
Hơn thế nữa, trồng mít nó sẽ không như kịch bản của cây có múi như: cam, bưởi…mấy năm qua cũng có phong trào trồng rất lớn. Nhưng cây cam, bưởi, chanh là dòng rất khó chăm, xuất đầu tư hàng năm lớn. Nên dân trồng cây có múi nhiều nhưng tỷ lệ thành công là khá thấp hay với thói quen trồng phun xịt nên dịch bệnh lây lan, vì vậy sản lượng cam bưởi hiện nay cung cấp ra thị trường nó vẫn ở mức độ chấp nhận được để chưa tới mức vỡ trận(nhưng cũng chưa dám chắc trong vài năm tới nó sẽ ra sao).
Nhưng đối với mít, nó là cây dễ chăm hơn, tỷ lệ sâu bệnh so với cây có múi ít hơn khá nhiều…dân mình mấy năm qua lao vào trồng cây ăn quả đã có kinh nghiệm ít nhiều để trồng nó. Nên sản lượng mít sẽ rất lớn, đặc biết tròng 2-3 năm tới khi vài triệu cây mít đã được trồng và xuống giống mấy năm qua.
– Vấn đề đặt ra là với sản lượng lớn như vậy thì Trung Quốc có thể đảm bảo tiêu thụ được hết và giá có đạt trên 8.000 vnđ/kg như mấy năm qua không? Khi mà tình hình chính trị thế giới thời gian tới dự báo có nhiều biến động, các phong trào bài Trung cũng đang diễn ra mãnh liệt, Trung Quốc liên tục gây hấn khẳng định chủ quyền ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam….
Khi xảy ra xung đột chính trị thì chiêu bài đầu tiên là đóng biên, tăng hàng rào kỹ thuật nhập khẩu nông sản….Giả sử trường hợp này nó không xảy ra thì với sản lượng mít lớn như vậy chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc là vô cùng bấp bênh.
Thị trường trong nước cũng khó mà cáng đáng được với kịch bản này. Lúc này chỉ còn thêm một cửa là xuất khẩu ra các nước khác ngoài Trung Quốc, đồng thời tăng quy mô, công suất của chế biến. Ví dụ như mít sấy: hiện nay Việt Nam có Vinamit là đơn vị đầu tàu về mít sấy khô xuất khẩu: theo thống kê năm 2018 cũng chỉ xuất được 1.600 tấn mít sấy sang các nước nhưng trong đó xuất vào Trung Quốc(chiếm khoảng 70%) là 1.100 tấn…
– Ngoài ra khi dân ồ ạt trồng phần lớn là mít thái siêu sớm. Mít này như ưu điểm là nhanh ra quả, năng suất cao…nhưng nhược điểm của nó là rất khó để làm mít sấy.” Giống Mít Thái đưa vào sấy, do không có lớp lụa bọc múi nên nhanh chóng mất vị ngọt và hút dầu cao. Sau 3 tháng bảo quản, thì mít sấy giống Thái nhanh chóng mất màu, không còn màu vàng ngon mắt. Nếu thu hoạch mùa mưa, mít Thái ngậm nước nên vị càng nhạt.” Mấy năm qua mít được dùng để sấy chủ yếu là: Mít nghệ, Mít Viên Linh, Mít Lá Bàng…
❌ VẬY CÓ NÊN TRỒNG MÍT NỮA KHÔNG? NẾU TRỒNG THÌ TRỒNG MÍT NÀO?
– Theo tôi, để có được một mặt hàng nông sản nào đó ổn định thì nó phải có được các yếu tố sau: hoặc ngon – hợp khẩu vị của người tiêu dùng trong nước và nhiều nước khác, hoặc có ưu điểm để chế biến công nghiệp hoặc có tiềm năng xuất khẩu được đi nhiều nước. Nếu đạt cả 03 yếu tố trên thì thật tuyệt vời.
Lúc này với diện tích canh tác cây ăn trái của Việt Nam thì trồng vô tư vẫn có khả năng đem lại hiệu quả lâu dài(Trong phạm vi bài này tôi không nói về vấn đề canh tác an toàn, sạch, đẹp, ngon, có truy xuất nguồn gốc… vì nó là yếu tố quan trọng đương nhiên ).
🎯 Vậy đối chiếu các nội dung ở trên tôi đưa ra lời khuyên như sau để bà con nông dân tham khảo:
🎲 ĐỐI TƯỢNG ÍT VỐN – CÓ ĐẤT(NHƯNG CHƯA CÓ KỸ NĂNG LÀM VƯỜN TỐT)– HOẶC LÀ TUÝP NGƯỜI CHẤP NHẬP RỦI RO: Nếu bạn chấp nhận rủi ro trong tương lai, tranh thủ có thu, thắng lợi vài vụ nếu may mắn để tích lũy tài chính, rèn luyện kỹ năng làm vườn. Thì ta vẫn có thể tiếp tục trồng Mít Thái như hiện nay.
Vì dù sao cây mít vẫn là cây nhanh cho thu hoạch và dễ canh tác. Nếu bạn đã trồng rồi, đừng quá hoang mang. Hãy cố tập trung chăm sóc để có vườn Mít Thái năng suất và chất lượng tốt nhất, để tăng sức cạnh tranh so với vườn mít khác nếu thị trường khó khăn.
🎲 ĐỐI TƯỢNG VẪN MUỐN TRỒNG MÍT NHƯNG GIỜ MỚI TRỒNG – KHÔNG THÍCH RỦI RO: Hãy bình tĩnh, trồng mít cũng được không sao. Lựa chọn các giống mít lai trồng đáp ứng được tiêu chí vừa nhanh thu hoạch, vừa có khả năng chế biến công nghiệp…thì mít Viên Linh, Lá Bàng cũng là giải pháp tạm ổn nhưng loại này năng suất cao, chất lượng để ăn thì trung bình, giá thu mua không cao.
Theo tôi nên trồng MÍT NGHỆ đây là giống bản địa khá khỏe, ăn cũng ngon và hoàn toàn có thể chế biến công nghiệp như sấy khô. Mít nghệ vừa có khả năng tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và chế biến công nghiệp.
🎲 ĐỐI TƯỢNG CÓ VỐN DÀI HẠN, CÓ ĐẤT LÂU DÀI: Đối tượng này thì việc trồng mít ta(như mít dai, mít mật) hoặc mít đặc sản bị mai một như: mít na, mít tố nữ…cũng là một hướng đi an toàn và hiệu quả lâu dài. Khi các giống mít lai cho năng suất cao phổ biến, thì nhu cầu tìm các giống mít bản địa đang bị mai một đối với mặt hàng nông sản là nhu cầu tất yếu. Ngoài ra các dòng mít này còn có tiềm năng trồng công trình, thu hoạch gỗ giá trị khá cao.
Trên đây là ý kiến của cá nhân người viết, anh em có thể tham khảo hay có hướng đi riêng cho mình. Chúc bà con trồng mít của cả nước chúng ta thành công!🎲
Nguyễn Đức Ninh – CEO NHANONG24H