Trước hết chúng ta cần phân biệt kiến vương và đuông dừa là 2 con khác nhau. Trong bài viết này sẽ không phân tích nguồn gốc của 2 loài này, chỉ tập trung ngắn gọn vào vấn đề mà chúng gây ra với cây dừa và cách phòng trị đuông dừa và kiến vương hiệu quả. 2 loại này có mối liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ, lỗ trống sau khi kiến vương cắn sẽ là nơi đẻ trứng của đuông dừa, nở thành ấu trùng phá hoại. Trị đuông dừa và kiến vương cần sự quan sát tỉ mỉ, thường xuyên của bà con mình.
Phân biệt đuông dừa và kiến vương dễ nhất
Kiến vương (kiến dương)
Kiến vương: Phá dừa khi nó trưởng thành, là côn trùng ăn lá cây là chủ yếu.
Kiến vương đục vô phần mềm ở cuối bẹ lá dừa, ăn đọt dừa rất khủng khiếp. Bởi vậy mà lá mọc ra sẽ có hình tam giác, lá chét có hình răng cưa.
Đuông dừa
Mức độ phá hoại nặng nề hơn kiến vương. Nó phá hoại cây khi mới là ấu trùng (thân mập màu trắng sữa). Trị đuông dừa là điều từ nhiều năm nay làm đau đầu nhà nông chúng ta. Đôi khi đã áp dụng và thay đổi nhiều cách nhưng đôi khi lại chưa được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân cốt lõi có thể vì chúng ta không thể nào giám sát 24/24 vườn của mình được. Điều này khó mà thực hiện.
Con đuông bố mẹ (dạng thành trùng) âm thầm đục lỗ trên thân cây dừa, đẻ vào trong đó tới hàng trăm quả trứng. Trứng này nở ra ấu trùng => Con đuông dừa béo mũm mỉm nhờ “bào” trong ruột cây dừa. Tới lúc người trồng phát hiện thì đã muộn, thân cây đã bị đục khoét bởi đám đuông phá hoại kia.
Không chỉ khoét thân dừa, đuông dừa con ăn trên đọt non. Phần đọt non này kiến vương rất thích trú ngụ để ăn mòn, do vậy thường các cách trị đuông dừa sẽ đi cùng với phòng trị kiến vương.
Dấu hiệu khi bị đuông dừa tấn công
Dấu hiệu 1: Thân cây có nhiều lỗ đục nhỏ, thấy xác bã trồi ra ở ngay mấy lỗ đục đó, có khi kèm theo chút nhựa màu nâu rỉ ra, chảy dọc xuống thân dừa, ngửi thì nghe mùi khai khái ở chỗ lỗ đục (do bị lên men)
Dấu hiệu 2: Khi áp tai vô sẽ nghe được tiếng “rào rào” của chúng (đang ăn thân dừa).
Dấu hiệu 3: Đây là lúc nặng nhất, cây dừa bị gãy ngang do thân đã bị ăn gần hết. Đặc biệt là ở dừa tơ. Do vậy, áp dụng càng sớm càng tốt những cách trị đuông dừa là điều đáng lưu tâm.
Dấu hiệu khi bị kiến vương tấn công
Dấu hiệu 1: Nó đục phá phần dưới của cây dừa, quan sát là thấy được. Mấy vết đục này sẽ tự tiết ra mùi “hấp dẫn” đám kiến vương khác tới để “ăn theo”. Trong vườn mà có một cây bị kiến vương ăn, mùi này tỏa theo gió, kêu gọi các con khác tới đẻ trứng.
Dấu hiệu 2: Như đã nói phần đầu, kiến vương ăn lá rất mạnh, món khoái khẩu của nó là ở phần đỉnh sinh trưởng của cây dừa. Nó ăn lá non, đọt non. Nhìn vào thấy lá mọc ra có hình tam giác hay lá chét bị răng cưa là xác định bị kiến vương đang trú ngụ.
Dấu hiệu 3: Kiến vương còn cắn phá cả bông mo, hoa dừa, gây rụng hoa, giảm năng suất của cây. Đặc biệt với vườn dừa non sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các vườn dừa già.
Cách phòng trị đuông dừa hiệu quả
Cần áp dụng nhiều phương thức mới đạt hiệu quả:
Với cây đã bị phá hoại không còn khả năng phục hồi, hãy đốn sát gốc để tiêu hủy đám sâu non, nhộng còn bên trong. Đây là 1 trong những cách trị đuông dừa hay mà nhiều khi chúng ta dễ lơ là cho qua vì nghĩ chắc “không đến nỗi nào”.
Vết thương đã bị tấn công, hãy trám kỹ các lỗ đó để phá bỏ nơi đẻ trứng của nó.
Kết hợp các cách phòng trị kiến vương, để hạn chế lỗ đục của chúng, từ đó hạn chế được nơi đẻ trứng của đuông.
Tránh tạo vết thương trên thân cây dừa.
Khi phát hiện cây mới bị đuông tân công, bạn lấy 1 gói Regent 800 WG + hòa nước lắc cho tan đều, sau đó rót vào các lỗ đục của đuông. Thuốc từ từ ngấm vào cây rồi diệt đuông con. Bạn kiểm tra sau 2-3 ngày, nếu không nghe tiếng ăn của chúng là ổn.
Tham khảo một số thuốc trừ sâu như Basudin 10H, Regent 0.3G, Padan 4H… Dùng vải mỏng như vải mùng túm thành túi nhỏ và đặt lên đọt dừa, kẽ lá.
Cắt tỉa bớt tàu lá dừa đã già, tránh cắt lá non nhé.
Thường xuyên vệ sinh vườn dừa. Nếu có điều kiện thì cho dừa ngập nước độ cao vừa phải tầm 1-2 ngày để diệt sâu non và nhộng.
Cách phòng trị kiến vương hiệu quả
Vẫn là nên kết hợp nhiều cách để tạo nên hiệu quả như mong muốn. Cụ thể như:
Lấy lưới bén bao quanh cây, kẽ hở của các bẹ dừa (như hình trên). Đây được xem như cách trị đuông dừa và kiến vương khá hiệu quả ở giai đoạn phòng ngừa, ngăn cho chúng xâm nhập vào thân cây.
Vệ sinh vườn dừa, đốt bỏ rác, dọn xác bã thực vật, phân động vật, hay các phần đã mục của cây dừa bị đốn trước đó,…Vì kiến vương hay đẻ trứng vào những nơi này. Có thể rắc thuốc vào rác để tiêu diệt ấu trùng, trứng đang trú ẩn.
Quan sát vườn dừa, khi thấy cây có lỗ đục là phải moi bắt kiến vương (bằng dây chì chẳng hạn)
Rắc thuốc lưu dẫn vào trong các lỗ đục, bẹ lá, có thể trộn với mạt cưa để tăng sự hấp thu.
Treo thuốc lên ngọn dừa như cách trên phòng trị đuông dừa.
Tổng kết
Kiến vương và đuông dừa là 2 kẻ thù đáng gờm nhất của vườn dừa chúng ta. Kết hợp các biện pháp phòng trị đuông dừa, trị kiến vương là điều quan trọng cần phải làm. Các cách như trên đã áp dụng trong thực tế và đã thành công trong nhiều năm qua, là sự đúc kết từ thực tiễn. Bà con có thể lưu về tham khảo cho vườn dừa của mình.
Xem thêm:
Ảnh hưởng của khí độc trong khí quyển với cây trồng
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo Đài Loan