Nhanong24h xin giới thiệu các giống tiêu đang được trồng phổ biến tại Việt Nam như: Tiêu vĩnh linh, tiêu trâu tây nguyên, tiêu srilanka, tiêu lộc ninh, tiêu phú quốc , tiêu chùm ấn độ… Cách phân loại giống tiêu và nguồn gốc của mỗi giống. Từ đó bà con có thể lựa chọn giống tiêu phù hợp với quá trình canh tác của mình.
Cách phân loại giống tiêu:
Hầu như các giống tiêu hiện nay đều được phân loại dựa theo vị trí địa lý phát sinh ra giống tiêu đó, chưa có một quy chuẩn phân loại nào cụ thể. Do đó tên thường đặt theo vùng hoặc quốc gia mà giống tiêu đó được tuyển chọn lần đầu. Chẳng hạn giống tiêu sẻ ở Lộc Ninh – Bình Phước thì gọi là tiêu sẻ Lộc Ninh, giống tiêu lá to trồng nhiều ở Tây Nguyên thì gọi là tiêu trâu Tây Nguyên, tiêu nhập từ Sri Lanka thì gọi là tiêu Sri Lanka…
Danh sách các giống tiêu hiện có ở Việt Nam:
- Tiêu Vĩnh Linh
- Tiêu trâu Tây Nguyên
- Tiêu sẻ Lộc Ninh
- Tiêu sẻ Phú Quốc
- Tiêu sẻ mỡ Đăk Lăk
- Tiêu sẻ đất đỏ Bà Rịa
- Tiêu Sri Lanka
- Tiêu chùm Ấn Độ
- Tiêu Lada Indonesia
Đặc điểm các giống tiêu phổ biến:
1 – Giống tiêu Vĩnh Linh
Giống có nguồn gốc từ huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, hiện được xem là giống tiêu phổ biến nhất tại Việt Nam. Chưa có thống kê cụ thể nhưng thông qua quan sát tại các khu vực trồng tiêu, có lẽ đây là giống tiêu được trồng nhiều nhất tại Việt Nam.
Tiêu vĩnh linh có đặc điểm: lá to trung bình, xanh đậm, cành lá phát triển mạnh, tốc độ phủ trụ nhanh. Khả năng chống chịu nấm bệnh ở mức trung bình. Năng suất cao và ổn định (5-10kg tiêu khô/trụ). Tuy nhiên những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giống này xảy ra tình trạng “năm được năm mất” ở một số khu vực.
– Ưu điểm: cây sinh trưởng khỏe mạnh, cành vươn rộng, chùm quả trung bình, quả to đóng dày trên gié.
– Nhược điểm: chậm ra quả.
2 – Giống tiêu trâu Tây Nguyên
Giống có xuất xứ từ Đăk Lăk – Đăk Nông thuộc khi vực Tây Nguyên. Đặc điểm dễ nhận biết của giống tiêu này là lá to, màu xanh đậm, phiến lá nhẵn và có hình tim, đọt non màu tím. So về năng suất thì kém hơn đôi chút với giống Vĩnh Linh (chùm quả thưa hạt hơn), nhưng sức sinh trưởng và kháng sâu bệnh lại vượt trội hẳn.
Giống có tên gọi là tiêu trâu cũng từ đặc điểm này của giống: “khỏe như trâu”. Tên đầy đủ của giống là tiêu trâu Tây Nguyên, tuy nhiên bà con thường gọi tắt là tiêu trâu cho dễ nhớ.
– Ưu điểm: sinh trưởng mạnh khỏe, chống chịu sâu bệnh hại tốt, thích nghi cao với nhiều thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau.
– Nhược điểm: quả ít, năng suất kém, không phù hợp canh tác lâu dài.
3 – Các giống tiêu sẻ (tiêu sẻ Bà Rịa, Đắk Lắk, Lộc Ninh)
Như danh sách ở phần trên đã đề cập, hiện có khoảng 4-5 giống thuộc giống tiêu sẻ (sẻ Lộc Ninh, sẻ Phú Quốc, sẻ mỡ Đăk Lăk, sẻ Phú Quốc…).
Đặc điểm chung của giống tiêu sẻ là phiến lá thường hơi xoắn, kích thước lá nhỏ, số lượng chùm quả (gié tiêu) nhiều nhưng kích thước ngắn và hơi thưa hạt. Do đó năng suất cũng ở mức trung bình. Giống có khả năng sinh trưởng mạnh tại địa phương phát sinh giống, nhưng khi đem trồng ở khu vực khác thì có sự thay đổi nhẹ về sinh trưởng và năng suất (thường là kém hơn)
– Ưu điểm: cho quả nhanh, quả to, gié đóng dày quả.
– Nhược điểm: dễ bị nhiễm bệnh đặc biệt là bệnh chết héo, năng suất giảm dần nếu không chú ý chăm sóc.
4 – Các giống tiêu ngoại nhập (tiêu Ấn Độ, tiêu Sri Lanka…)
Đây hầu hết là các giống có xuất xứ từ các quốc gia trồng tiêu khác trên thế giới (Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia…). Chủ yếu nguồn giống được nhập về thông qua tư nhân nên chưa có sự thống nhất về tên gọi. Chủ yếu nhập từ nước nào thì gọi là giống tiêu + tên nước đó.
– Giống tiêu Ấn Độ, là giống ngoại nhập được trồng đầu tiên ở Bà Rịa và hiện nay được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thành khác như Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước…
– Cây phát triển khỏe mạnh.
– Lá có kích thước trung bình, mép lá gợn sóng.
– Cho quả sớm, quả to đóng dày trên chùm quả dài.
Trong các giống tiêu ngoại nhập thì nổi bật và dễ phân biệt nhất là giống tiêu Sri Lanka. Giống này có lá to bản, màu xanh đậm, phiến lá hình tim tương tự như tiêu trâu nhưng to hơn. Đọt non màu xanh nhạt, chùm quả thường dài ấn tượng và đóng kín hạt. Năng suất có thể đạt đến 15kg tiêu khô/trụ. Đặc biệt tiêu chịu hạn và kháng sâu bệnh rất tốt. Điểm trừ theo đánh giá của bà con là mùi vị ít thơm, nhân nhẹ và không được chắc như tiêu Vĩnh Linh.
Ngoài ra còn có giống tiêu chùm Ấn Độ (Tiêu chùm thekken) cũng rất đặc biệt, chùm quả thay vì chỉ có 1 nhánh thì giống tiêu này lại phân thành nhiều nhánh, nhìn vào bông và chùm quả là có thể nhận ra ngay. Năng suất và sinh trưởng cũng tương đối ổn định
5 – Giống tiêu Phú Quốc
– Xuất xứ từ Campuchia, trồng đầu tiên ở Phú Quốc.
– Lá có kích thước trung bình – nhỏ, mép lá gợn sóng.
– Ưu điểm: cho quả sớm, chùm quả to (8-10cm) đóng dày trên gié.
– Nhược điểm: khả năng chống chọi sâu bệnh hại kém như các bệnh về rễ, bệnh chết nhanh chết chậm.
6 – Giống tiêu Lada (Indonesia)
– Giống ngoại nhập, xuất xứ từ Indonesia, bắt đầu du nhập vào nước ta từ những năm 1940.
– Kích thước lá trung bình, phía cuống lá có dạng hơi bầu.
– Cây sinh trưởng khỏe mạnh, cành lá phát triển tươi tốt.
– Gié hoa dài từ 10-12cm.
– Quả nhỏ, gié quả thưa, không đều.
– Ưu điểm: sinh trưởng khỏe, khả năng chống chọi sâu bệnh hại tốt đặc biệt là bệnh thối rễ, dễ trồng không kén đất.
– Nhược điểm: năng suất không ổn định, chậm ra quả.
Hy vọng với bài viết này, bà con nông dân sẽ có thêm nhiều phương án để lựa chọn một giống tiêu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như điều kiện chăm sóc của hộ gia đình và cho năng suất, chất lượng ổn định.
Đơn vị sản xuất cây giống chuyên nghiệp và uy tín;
- Địa chỉ: Khuôn viên Nhà A1 Cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại: 0462.971.971(giờ hành chính) – Hotline: 0903220995 (phục vụ 24/7)
- Email: hotro@nhanong24h.com – Website: https://nhanong24h.com/