Phân bón hữu cơ đang được bà con nông dân chuyển dần sang sử dụng hoàn toàn trong quá trình canh tác nông nghiệp bởi Sử dụng phân bón hóa học trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến đất trở nên bạc màu, thoái hóa, không thể cung cấp đầy đủ các loại chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
1. Phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ là tên gọi chung của các loại phân bón làm từ hợp chất hữu cơ, được sử dụng trong nông nghiệp để cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Các nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ bao gồm lá cây, chất thải gia súc, gia cầm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, than bùn,…
Khi sử dụng phân bón hữu cơ, đất trồng sẽ được cải tạo dần dần, tăng độ tơi xốp, phì nhiều, bổ sung đầy đủ các nguyên tố đa lượng, trung lượng, vi lượng và một số loại vi sinh vật quan trọng, giúp tăng hàm lượng hữu cơ cho đất.
Các loại phân bón thông thường mà bà con nông dân đang sử dụng phổ biến hiện nay chủ yếu là phân bón hóa học. Thành phần của phân bón chỉ gồm một số chất, hợp chất nhất định theo công thức. Các nguyên tố trung lượng, vi lượng và thành phần vi sinh gần như không xuất hiện.
Nếu sử dụng phân bón NPK, phân hóa học thì hầu hết các chất dinh dưỡng sẽ được cây trồng hấp thụ để phát triển. Trong khi đó, đất trồng lại không được bù đắp lượng dưỡng chất mất đi, khiến chất lượng đất ngày càng suy giảm.
2. Phân loại phân bón Hữu cơ
Phân bón hữu cơ truyền thống
Phân hữu cơ truyền thống là các loại phân bón được ủ từ phân gia súc, gia cầm, phân xanh, các loại phụ phẩm từ quá trình sản xuất và chế biến nông – lâm – thủy sản. Loại phân bón này chứa nhiều loại chất dinh dưỡng đa dạng, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng của phân bón thấp nên cần phải sử dụng với một lượng lớn, quá trình vận chuyển và sử dụng lại khá phức tạp.
Một số loại phân bón hữu cơ truyền thống:
- Phân chuồng: được ủ từ chất thải gia súc, gia cầm; có lượng dưỡng chất đa dạng nhưng hàm lượng thấp, ẩn chứa nhiều nguy cơ với sức khỏe con người.
- Phân xanh: được ủ từ thân, cành, lá tươi; có khả năng hạn chế xói mòn, cải thiện chất lượng đất; hiệu quả chậm nên thường dùng để bón lót.
- Phân rác: được ủ từ rơm, rạ, lá cây, các phần bị thải bỏ trong quá trình sản xuất nông nghiệp; giúp tăng độ tơi xốp, tạo kết cấu ổn định cho đất; cách xử lý phức tạp, mất thời gian
- Than bùn qua chế biến: gia tăng độ phì nhiêu cho đất; cách xử lý phức tạp, tốn nhiều kinh phí
Phân bón hữu cơ công nghiệp
Phân bón hữu cơ công nghiệp cũng được chế biến từ các loại hợp chất hữu cơ nhưng hàm lượng dinh dưỡng và chất lượng phân bón cao hơn hẳn các loại phân hữu cơ truyền thống. Điều này có được là nhờ việc ứng dụng quy trình và kỹ thuật công nghệ sản xuất phân bón hiện đại, giúp cải thiện những hạn chế và phát huy ưu điểm của phân bón hữu cơ.
Phân hữu cơ công nghiệp thường bao gồm một số loại sau:
- Phân bón vi sinh: phân hữu cơ chứa một hoặc nhiều loại vi sinh vật hữu ích giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng, phân hủy các chất sang dạng cây trồng có thể hấp thụ, ngăn chặn các mầm bệnh, gia tăng hiệu quả phân bón với cây trồng.
- Phân bón sinh học: phân bón được chế biến bằng cách lên men một số loại vi sinh vật trong hỗn hợp nguyên liệu hữu cơ để gia tăng hàm lượng dinh dưỡng.
- Phân hữu cơ khoáng: phân bón được bổ sung thêm các nguyên tố khoáng vô cơ bao gồm đạm, lân, kali.