CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH TRÊN CÂY ĐU ĐỦ
1. Bệnh rệp sáp
Đây là loại bệnh phổ biến nhất mà cây đu đủ thường gặp vào mùa nắng nóng. Loại sâu bệnh này thường xâm nhập và tấn công vào những bộ phận non trên cây đu đủ như lá non, đọt non và trái non. Khi bị tấn công và chích hút thì hoa sẽ bị rụng, làm cho cây bị còi cọc và quả non sẽ kém phát triển.
Ngoài ra, mật ngọt do rệp tiết ra còn thu hút loại nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận của lá, trái,…làm giảm cường độ quang hợp của cây.Loại sâu rệp này thường phát triển với số lượng lớn và với mật độ dày đặc khiến năng suất cây đu đủ giảm rõ rệt.
Phòng trừ rệp sáp:
Để phòng ngừa rệp sáp một cách hiệu quả bạn cần phải để cây trồng thật thông thoáng. Cần vệ sinh thường xuyên để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại ở giai đoạn chớm để xử lý kịp thời.
– Sử dụng các loại thuốc trừ rệp: Suprathion, Marshal, Ditarex…, thường pha chúng với chất bám dính nông nghiệp để tăng hiệu quả tiêu diệt. Phun vào khi thời tiết khô ráo có nắng to, 2 lần phun cách nhau 7 ngày, phun vài lần cho đến khi chúng chết hoàn toàn.
– Để hạn chế việc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, khi rệp mới xuất hiện chúng ta có thể dùng tay giết chúng hoặc dùng giẻ lau lau sạch.
2. Bệnh thán thư
Đây là bệnh gây hại chủ yếu trên cây đu đủ. Thường xuất hiện vào mùa mưa do nấm gây ra.
Khi mắc loại nấm này trên cành lá sẽ xuất hiện những đốm màu vàng sau đó lan rộng ra. Trên vết bệnh có nhiều vòng tròn đồng tâm. Nếu nấm bệnh xâm nhạp vào quả sẽ xuất hiện những tơ nấm trắng xung quanh vết bệnh và nếu bị nặng thì sẽ bị thối quả ảnh hưởng khá lớn đến năng suất thu hoạch.
Phòng trừ bệnh thán thư:
Bạn cần trồng cây với mật độ hợp lý để đất trồng được thông thoáng và phải chú ý thoát nước tốt cho đất để tránh ngập úng. Nếu như cây nào bị bệnh cần phải tiêu hủy ngay. Định kì thường xuyên kiểm tra và phát hiện bệnh để kịp thời phun một số loại thuốc như Antracol, Amistar
3. Bệnh xoắn lá
Đây là một loại bệnh cũng khá phổ biến trên cây đu đủ. Bệnh phát triển do virus gây ra. Chúng bám vào và phát triển khiến lá non và búp bị chuyển thanh màu vàng xanh. Nếu xâm nhập vào quả sẽ khiến quả bị biến dạng và chảy nhựa thâm xanh khá xấu.
Bệnh xoăn lá khiến lá kém phát triển từ đó khả năng quang hợp kém đi làm chất lượng quả bị giảm đi rõ rệt.
Phòng trừ bệnh xoắn lá:
– Bệnh không có thuốc trị, bà con chỉ có cách phòng trừ.
– Chọn cây giống khỏe mạnh, loại bỏ những cây bị bệnh,
– Thường xuyên làm cỏ dại, hạn chế vết thương cho cây do cơ giới gây ra,
– Diệt trừ các loại côn trùng môi giới (rầy, rệp) truyền bệnh bằng các loại thuốc: Suprathion, Bassa, Supracide…